Phật thủ là một loại quả được trang trí trong bàn thờ cúng gia tiên vào các ngày tết ở nhiều gia đình. Chúng thuộc họ cam, quýt, được trồng khá phổ biến ở nước ta. Tuy được nhiều người biết đến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về công dụng trong y học của loại quả này
Trong Đông y, phật thủ được dùng để hóa đờm, kiện vụ, giúp tiêu hóa, cầm nôn mửa, chữa ho, đau dạ dày do có vị cay, đắng, chưa và tính ấm. Ngoài ra, tinh dầu và chất flavonoid (gọi là hesperidin) có tác dụng tốt trong việc điều trị ho và đau dạ dày. Dùng phật thủ tươi hoặc phật thủ đã phơi khô, có thể dùng thêm với hoa nhài, pha với nước sôi giống như pha trà, uống thay nước lọc hàng ngày, có tác dụng rất tốt đối với những người bị đau dạ dày.
Phật thủ còn được dùng để ngâm rượu. Rửa sạch, để khô ráo, cắt thành các lát mỏng hoặc cắt khúc ngâm với rượu trắng. Sau 7 đến 10 ngày là có thể dùng được. Uống rượu ngâm phật thủ mỗi lần không quá 40 – 50 ml sẽ có nhiều lợi ích với hệ thần kinh đặc biệt với những người mắc bệnh trầm cảm. Không chỉ được dùng để ngâm với rượu, phật thủ còn được dùng để giã rượu. Lấy khoảng 30gr phật thủ tươi, đem sắc lên rồi cho người đang say uống, rất có ích.
Phật thủ kết hợp với mạch nha là một biệt dược chữa ho cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Phật thủ rửa sạch, ngâm qua với một chút muối. Cứ một lớp phật thủ vào trong bát lại phủ một lớp mạch nha lên trên. Cho bát có chưa mạch nha và phật thủ vào nối đun cách thủy từ 1 đến 2 tiếng để phật thủ keo lại như mứt. Nên bảo quản lạnh siro mạch nha và phật thủ để có thể sử dụng được lâu hơn.
Không chỉ đóng vai trò trong nhiều bài thuốc đông y, trong y học hiện đại, phật thủ cũng là một trong những loại quả có nhiều tác dụng. Trong phật thủ, có nhiều vitamin C, đường, axít hữu cơ, glucoxit, có công hiệu điều hòa khí, bồi bổ, giảm đau dạ dày, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực.
Với những công dụng của mình, phật thủ càng được ưa chuộng hơn và được nhiều người quan tâm không chỉ trong dịp tết.